Huyện Thường Tín quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

23/12/2021 04:07

Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

 

Ảnh: Đình Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín là một trong số 15 di tích của cả nước được xếp hạng di tích quốc gia năm 2017

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Theo đó, việc tổ chức Ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Ngày Di sản Văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Từ đó đến nay, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam.

 Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 23 di sản được UNESCO vinh danh; trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa, di sản phi vật thể...

Thường Tín là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên địa bàn hiện có 122 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 61 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp thành phố. Trong những năm qua, công tác quản lý và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tích cực nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.

Ảnh: Nghệ thuật hát trống quân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín đã được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay

          Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch và các các văn bản hướng dẫn nhằm tăng cường việc bảo vệ và khoanh vùng bảo vệ những nơi có di tích, cũng như các di tích đã được xếp hạng. Phối hợp với Ban quản lý danh thắng Hà Nội về thẩm định đề nghị xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với di tích đình #8211 chùa #8211 đền Quất Tỉnh, xã Quất Động. Đề nghị xin chấp thuận chủ trương tu bổ, tôn tạo và thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với 12 di tích. Tham mưu hỗ trợ thực hiện tu bổ, tôn tạo theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 cho 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng thuộc 11 xã với kinh phí 7.860.000.000 đồng, tiếp tục đề nghị hỗ trợ 11 di tích với kinh phí 5,8 tỷ đồng trong năm 2020. Tham mưu tổ chức thành công Khởi công công trình xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và tham mưu Ban chỉ đạo các bước thực hiện quy trình xây dựng khu Lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác tu sửa cấp thiết và tu bổ các di tích: Đình Hưng Hiền, xã Hiền Giang; Trường Lương Văn Can, xã Nhị Khê; đền Đông Thai, xã Vân Tảo…

Song song với công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, trong thời gian qua, huyện cũng thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lễ hội lớn trên địa bàn huyện, đảm bảo lễ hội diễn ra tốt đẹp, ổn định an ninh trật tự, không có ăn mày, ăn xin, không mê tín dị đoan, đặc biệt là quan tâm đến công tác VSAT thực phẩm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, loại hình văn hóa được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, ở hầu hết các thôn, làng trên địa bàn đều xây dựng quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn hóa. Việc hiếu, hỷ được nhân dân trong huyện tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, đơn giản, tiết kiệm…

Với những gì mà chính quyền cùng nhân dân huyện Thường Tín đã, đang và tiếp tục triển khai, sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích trên địa bàn. Đó cũng chính là sự tri ân đối với những tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông, đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương.

Hoài Thu